Lượt xem: 858

Sóc Trăng đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Sóc Trăng thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là tỉnh chuyên về sản xuất nông nghiệp. Theo đó, kinh tế mũi nhọn của tỉnh là cây lúa, con tôm và cây ăn trái. Với lợi thế, tiềm năng sẵn có và điều kiện tự nhiên của từng vùng sinh thái cùng với việc đầu tư công nghệ cao vào sản xuất lúa, tôm, cây ăn trái đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông sản, thủy sản sau thu hoạch. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh.

 

    Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

    Buổi sáng đẹp trời của những ngày chớm Xuân Quý Mão năm 2023, chúng tôi tìm đến gặp gỡ một số hộ dân và doanh nghiệp đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi đem lại nhiều kết quả tích cực.


Sử dụng máy bay không người lái cho việc phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa đảm bảo sức khỏe người sản xuất và phun thuốc được bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Hộ dân đầu tiên chúng tôi có dịp gặp gỡ là ông Trần Văn Phục, xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung, để giới thiệu về việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại hộ, ông Phục dẫn chúng tôi tham quan vườn nhãn Ido đang giai đoạn ra hoa và một số cây đang cho trái. Ông Phục chia sẻ: “Tôi có tổng diện tích sản xuất nhãn là 10 ha và toàn bộ diện tích vườn cây ăn trái đều được lắp đặt hệ thống tưới phun tự động. Đây là hệ thống tưới hiện đại, giúp hộ sản xuất “giải phóng” được sức lao động. Theo đó, hệ thống tưới tự động bằng ống nhựa cứng và đường ống dẫn nước âm dưới lòng đất. Riêng ống tưới phun sương sẽ được đặt tại gốc từng cây nhãn, có khoảng cách nhất định để khi tưới nước, tưới phân vào gốc thì toàn bộ lượng nước, phân hấp thụ tốt. Hệ thống tưới phun được kết nối với điện thoại thông minh, khi tưới nước cho vườn nhãn chỉ cần mở máy điện thoại cho hệ thống tưới 30 phút là xong diện tích 1 ha vườn. Lợi ích hệ thống tưới đem lại là nhà vườn ở bất kỳ nơi đâu, cũng có thể mở máy điện thoại tưới vườn cây ăn trái; không tốn chi phí thuê lao động để tưới nước cho vườn cây; thời gian sử dụng hệ thống tưới lên đến 20 năm; đặc biệt nhất là khi sử dụng hệ thống tưới phun tự động, năng suất nhãn tăng từ 20 - 30%…”.

    Nếu như ông Phục ứng dụng công nghệ cao thông qua sử dụng hệ thống tưới phun tự động cho vườn nhãn, thì ông Huỳnh Long Vương Quốc, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành đầu tư máy bay không người lái, dành cho canh tác lúa. Ông Vương Quốc bộc bạch: “Tôi mạnh dạn đầu tư máy bay không người lái, để phun thuốc bảo vệ thực vật cho diện tích đất lúa 10 ha tại gia đình hiệu quả hơn, bởi hiện tại việc thuê người lao động đang khan hiếm. Khi dùng máy bay phun thuốc rút ngắn thời gian đáng kể, 1 ha đất lúa máy phun thuốc tầm 5 - 7 phút đã xong, nếu như lao động phải tốn thời gian hơn một giờ và máy bay dùng phun thuốc bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Đặc biệt, khi sử dụng máy bay, lượng thuốc phun trên ruộng lúa đồng đều, do máy được điều cân chỉnh chế độ đồng bộ, giúp lúa hấp thụ toàn bộ lượng thuốc khi phun. Bên cạnh đó, khi sử dụng máy bay đảm bảo được sức khỏe của lao động, năng suất lúa tăng 10 - 20% so với phun bằng bình, góp phần tăng lợi nhuận sau thu hoạch lúa”.

    Ngoài việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng cây ăn trái, canh tác lúa thì việc ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm rất được doanh nghiệp chú trọng, bởi giúp nuôi tôm nhiều vụ, tăng sản lượng tôm nuôi. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sạch Việt Nam - Võ Văn Phục cho biết: “Công ty chuyển đổi mô hình nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm siêu thâm canh (công nghệ cao) tính đến thời điểm hiện tại hơn 3 năm, với diện tích nuôi tôm 150 ha, trong đó có nhiều mô hình nuôi tôm như: Ao lót bạt, ao tròn, ao nổi… và toàn bộ hệ thống ao trong mô hình đều sử dụng lưới lan để che. Thông qua việc ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao, năng suất tôm nuôi tăng cao gấp nhiều lần so với ao nuôi truyền thống. Cụ thể, mật độ thả giống tôm trong ao nuôi truyền thống từ 60 - 80 con/m2 thì ao nuôi tôm công nghệ cao thả nuôi từ 200 - 300 con/m2. Về năng suất, nếu ao truyền thống tôm nuôi cho năng suất 5 tấn/đợt nuôi, thì ao nuôi công nghệ cao đạt 15 - 20 tấn/đợt nuôi; tỷ lệ tôm nuôi thành công vụ thuận trên 95% và nuôi được nhiều vụ trong năm. Ngoài hiệu quả kinh tế khi áp dụng nuôi tôm công nghệ cao, còn góp phần đảm bảo môi trường vùng nuôi, bảo vệ lợi ích người lao động và lợi ích cộng đồng.

    Phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

    Theo Kế hoạch số 188/KH-UBND tỉnh Sóc Trăng, ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh, thì mục tiêu chung của cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2025 là từng bước chuyển đổi tư duy từ “Phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy phát triển “Kinh tế nông nghiệp”, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất. Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp, sản xuất theo xu hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản…


Đồng chí Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng trong lần đến tham quan trại nuôi tôm tại Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết: “Cây lúa, con tôm, cây ăn trái là ba sản phẩm kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Do đó, để tiếp tục nâng cao năng suất chất lượng của ba sản phẩm trên, tới đây ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ hình thành vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ canh tác lúa thông minh, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu và phù hợp sản xuất trên địa bàn tỉnh. Khuyến cáo hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Xây dựng và phát triển nhiều cánh đồng lớn ở các địa phương; xây dựng vùng sản xuất giống lúa ST tập trung. Riêng trong nuôi tôm nước lợ, khuyến khích hộ dân ứng dụng nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao ở những nơi có lợi thế và điều kiện sản xuất; nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm lót bạt… Đồng thời, phát triển ngành tôm nước lợ của tỉnh hướng đến sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam”.

    Đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng thông tin: “Để phát triển diện tích cây ăn trái bền vững đến năm 2025 với diện tích toàn tỉnh 30.000 ha, theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, sẽ tổ chức sản xuất cây ăn trái có liên kết giữa hợp tác xã với công ty xuất nhập khẩu; hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản tập trung. Ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất trên cây ăn trái như: Sử dụng hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước, sử dụng máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ; đưa kỹ thuật mới vào sản xuất thâm canh, tăng vụ trên cây ăn trái và chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, sang cây trồng ăn trái có giá trị kinh tế cao…”.

    Có thể thấy, thực tế việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của hộ dân đã đem lại những thành công đáng kể tại hộ như: Giảm thời gian khi sử dụng hệ thống tưới phun cho cây trồng nhưng năng suất trái cây tăng, tiết kiệm nước, phân bón hay khi sử dụng máy bay không người lái giảm nhân công lao động, rút ngắn thời gian phun thuốc cho ruộng lúa, so với sử dụng bình phun tay, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, giúp tôm nuôi được nhiều vụ trong năm, tăng năng suất tôm, đảm bảo môi trường vùng nuôi. Qua đó, hộ dân quan tâm có thể ứng dụng các mô hình trên, để giảm chi phí đầu tư sản xuất, tăng thu nhập tại hộ để có những mùa Xuân đủ đầy, sung túc…

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 58
  • Hôm nay: 7964
  • Trong tuần: 78,671
  • Tất cả: 11,801,991